TỔNG QUAN KHU CÔNG NGHIỆP PHÍA NAM VIỆT NAM

Tổng quan khu công nghiệp phía Nam Việt Nam

  1. Lịch sử hình thành

Dưới thời chính quyền Sài Gòn, nền kinh tế miền nam Việt Nam là một nền kinh tế nhằm phục vụ nhu cầu chiến tranh là chính, vì vậy ngành công nghiệp vừa kém phát triển, vừa mất cân đối. Các cơ sở công nghiệp nhìn chung đều có quy mô nhỏ bé và hầu hết tập trung tại các đô thị lớn.

Trong ngành điện, cả miền nam lúc đó chỉ có một nhà máy thủy điện (Đa Nhim), vài nhà máy nhiệt điện chạy dầu, còn lại chủ yếu là các cụm phát điện diezel độc lập.

Ngành công nghiệp hóa chất cũng chỉ có một số cơ sở sản xuất sản phẩm hóa chất tiêu dùng như săm lốp, sơn, nhựa, chất tẩy rửa, bột ngọt… Đối với ngành công nghiệp nhẹ tình hình cũng không khá hơn: hàng hóa cung cấp ra thị trường chủ yếu là một số loại sản phẩm dệt, giấy, bia, nước giải khát, thuốc lá, sữa hộp, mì ăn liền, v.v… Về các khu công nghiệp (KCN) tập trung, cả miền nam chỉ có duy nhất một KCN Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1 hiện nay) đang đầu tư dở dang. . Sau năm 1954, ngay từ những ngày đầu chính quyền Sài Gòn đã dựa vào Mỹ xây dựng nền kinh tế thị trường tự do và sau đó bị chi phối bởi chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Cuối thập niên 50, công nghiệp Đồng Nai bắt đầu xây dựng nhà máy giấy Đồng Nai, Nhà máy giấy Tân Mai, đến năm 1963, khi Công ty kỹ nghệ Biên Hòa (SONADEZI) được thành lập đã xây dựng khu kỹ nghệ Biên Hòa trên diện tích 376 ha, công nghiệp Đồng Nai bắt đầu phát triển theo mô hình sản xuất công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa trước năm 1975 phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng thay thế nhập khẩu từ các nước tư bản, do đó khi tiếp quản Khu công nghiệp Biên Hòa, tình trạng các nhà máy không sử dụng hết công suất hoặc ngưng hoạt động xảy ra phổ biến.

Khu kỹ nghệ Biên Hòa - tiền thân KCN Biên Hòa - KCN đầu tiên của miền Nam
Khu kỹ nghệ Biên Hòa – tiền thân KCN Biên Hòa – KCN đầu tiên của miền Nam

Về công nghiệp nặng, ngoài một số ít cơ sở cơ khí, luyện kim chủ yếu để phục vụ chiến tranh hoặc chỉ thực hiện công việc lắp ráp đơn giản (như các nhà máy Vicasa, Vikimco… chỉ cán thép xây dựng cỡ nhỏ, sản xuất dây thép gai, lưới chống đạn B.40; Caric, Ba Son chủ yếu phục vụ sửa chữa tàu chiến; Vikyno, Vinapro cũng chỉ lắp ráp máy móc nông ngư cơ công suất nhỏ, v.v…), số còn lại phần lớn chỉ là các xưởng làm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, trung tiểu tu máy móc thiết bị, gia công hàng cơ – kim khí tiêu dùng, hoàn toàn không có một cơ sở cơ khí chế tạo nào.

Với một thực trạng như vậy, cộng thêm hàng loạt khó khăn của những ngày đầu mới giải phóng (như thiếu nguyên liệu, vật tư cho sản xuất; nhiều chủ nhà máy và nhân viên kỹ thuật, quản lý đã di tản…) nên mặc dù bản thân các nhà máy, xí nghiệp được bảo toàn khá nguyên vẹn khi chính quyền cách mạng tiếp quản, song ngành công nghiệp vẫn gần như phải gây dựng lại từ đầu.

Giai đoạn 1975 – 1980 chính là giai đoạn ngành công nghiệp phía nam phải tập trung dồn sức cho nhiệm vụ phục hồi sản xuất. Trong những tháng năm đó, miền bắc lại một lần nữa đã dành sức người, sức của chi viện cho miền nam. Hàng nghìn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề từ các nhà máy, xí nghiệp ở miền bắc đã được điều động vào miền nam, mang theo không chỉ kinh nghiệm mà còn cả vật tư, thiết bị, phụ tùng sửa chữa thiết yếu; hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ quân đội được chuyển ngành bổ sung vào đội ngũ công nhân sẵn có. Các bộ, ngành trung ương đều ưu tiên cho miền nam trong việc phân bổ chỉ tiêu vật tư, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực… Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn phần lớn các cơ sở công nghiệp đã được phục hồi và sản xuất trở lại, trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành công nghiệp cả nước.

Những năm 80 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn do bị ảnh hưởng của chiến tranh biên giới, cấm vận, thiên tai, bão lụt, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập…, ngành công nghiệp phía nam vẫn giữ được đà đi lên, chuyển từ giai đoạn phục hồi sang giai đoạn phát triển. Tỷ trọng của công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía nam trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đã tăng dần, từ khoảng 25% năm 1980 lên 33-35% thời kỳ 1989 – 1990. Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự ra đời và phát triển của một số ngành công nghiệp mới như dầu khí, điện tử, thiết bị kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu xây dựng…

Từ cuối năm 1980, với mục tiêu khai thác cao nhất mọi tiềm năng về phát triển công nghiệp của khu vực phía nam nhằm sớm khắc phục sự mất cân đối giữa các vùng, miền cũng như trong nội bộ mỗi vùng về cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đẩy mạnh các biện pháp điều chỉnh cơ cấu phát triển công nghiệp, theo hướng tập trung cao cho phát triển công nghiệp phía nam, chú trọng việc đầu tư các dự án quy mô lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, phân bón – hóa chất, vật liệu xây dựng, cơ khí nặng…

Về mặt chủ quan, mặc dầu đi lên từ một điểm xuất phát khá thấp, song ngành công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía nam lại có một lợi thế là đã sớm tiếp cận cơ chế thị trường và ít chịu ảnh hưởng của cách thức làm ăn kiểu bao cấp. Vì vậy, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp phía nam có điều kiện phát huy lợi thế của mình và bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ.

Trong suốt thập kỷ 90, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp được đầu tư xây dựng, hàng loạt KCN mới ra đời ở nhiều tỉnh, thành phố đã tạo ra một diện mạo mới cho công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía nam. Do điều kiện tự nhiên – xã hội có nhiều thuận lợi và do cơ chế, chính sách cởi mở, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp ở các tỉnh phía nam trong những năm đó tăng mạnh. Thời kỳ này cũng chính là thời kỳ hình thành khu vực kinh tế trọng điểm phía nam mà hạt nhân là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước). Những năm cuối thập kỷ 90, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nói chung, trong đó có công nghiệp các tỉnh phía nam, bị chậm lại, song vẫn duy trì được ở mức hơn 10%/năm.

Năm 1990, tỉnh Đồng Nai thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi Biên Hoà). Doanh nghiệp này đã đầu tư nguồn vốn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Biên Hoà 1 (Khu kỹ nghệ lớn nhất Việt Nam trước năm 1975 – trong tình trạng xuống cấp), kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặt cơ sở cho việc phát triển trong giai đoạn mới. Hiện nay, đây vẫn là khu công nghiệp lớn mạnh với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động.

Bước sang thế kỷ 21, phát triển công nghiệp đang trở thành một phong trào rộng khắp. Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đặt mốc khởi đầu cho việc đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn một nửa trong số 34 tỉnh, thành phố phía nam đã xác định vị trí số 1 của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Nhờ đó, công nghiệp khu vực phía nam tiếp tục phát triển mạnh và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2004, trong số tám tỉnh, thành phố đạt giá trị sản xuất công nghiệp 10 nghìn tỷ đồng trở lên thì ở phía nam có bốn (50%), song tỷ trọng của bốn tỉnh, thành phố này trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước đạt tới 59%. Trong số 68 KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (không kể khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất) đang hoạt động thì có 55 khu thuộc địa bàn các tỉnh phía nam. Ngoài ra, trong số 42 KCN đang trong thời kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng, các tỉnh phía nam cũng chiếm tới 26 khu.

Về sản phẩm công nghiệp, các doanh nghiệp khu vực phía nam hiện đang chiếm ưu thế trong một số ngành như dầu khí (gần 100%), điện (khoảng 60%) dệt – may (khoảng 70%), da giày (75%), phân đạm (70%), chế biến thủy hải sản (hơn 70%),v.v… Các doanh nghiệp phía nam luôn đi đầu trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm mới, xây dựng phong cách làm ăn hiện đại, triển khai các hoạt động khuyến công, phát triển các KCN (bao gồm cả các khu, cụm công nghiệp nhỏ)…

Bài viết tham khảo: Tổng quan Khu Công nghiệp phía Bắc Việt Nam

 

2. Hiện trạng phát triển

Khu vực miền Nam bao gồm 17 tỉnh, thành phố, trong đó, khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận là khu vực kinh tế sôi động nhất toàn quốc.

Nguồn cung đất công nghiệp tại 5 tỉnh chủ chốt gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 25.000ha . Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 135 USD/m2/kỳ hạn thuê. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu so với các tỉnh còn lại với giá 198 USD/m2/kỳ hạn thuê, cao gấp đôi Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nguồn cung, giá thuê đất công nghiệp tại khu vực miền Nam - Nguồn: Cushman & Wakefield.  
Nguồn cung, giá thuê đất công nghiệp tại khu vực miền Nam năm 2022 – Nguồn: Cushman & Wakefield.

 

Tỷ lệ lấp đầy đất khu công nghiệp phía Nam đạt 98%. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội năm 2021, nhu cầu thuê mặt bằng khu công nghiệp vẫn tăng mạnh mẽ. Điển hình là thương vụ thuê đất của Coca-cola tại khu công nghiệp Phú An Thạnh và Lego tại khu công nghiệp VSIP.

Trong tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp phía nam cũng chứng tỏ được vai trò tiên phong của mình. Với đà phát triển như vậy, có thể dự đoán rằng trong nhiều năm tới công nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía nam sẽ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong toàn ngành công nghiệp. Trên thực tế,  trong số 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất có 4 tỉnh thành phía nam là  Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đồng Nai hiện là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước, với 31 khu công nghiệp. Các khu công nghiệp có diện tích lớn nhất gồm có: khu công nghiệp Phước Đông – Tây Ninh (2.190ha), khu công nghiệp Becamex – Bình Phước (1.993ha), khu công nghiệp Hiệp Phước – TP. Hồ Chí Minh (1.686ha).

Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM) - Một trong các khu công nghiệp lớn nhất miền Nam
Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM) – Một trong các khu công nghiệp lớn nhất miền Nam

Cụ thể, diện tích khu công nghiệp cho thuê toàn thị trường đạt 28.000 ha, tăng 0,6% theo quý và 5,2% theo năm. Giá thuê đạt mức 167 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% theo quý và 8,5% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 81,8%, ổn định theo quý và giảm 2,8 điểm phần trăm theo năm.

Theo Cushman & Wakefield, sau khoảng 2 – 3 năm không có nguồn cung đất khu công nghiệp mới tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (SKER), quý III/2023 chứng kiến ​​nguồn cung mới từ tỉnh Long An (Khu công nghiệp Nam Tân Tập do công ty Saigontel phát triển), đóng góp khoảng 171 ha cho thị trường.

Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất, với tỷ trọng lần lượt khoảng 59% và 28%. Diễn biến thị trường tương đối tốt nhờ sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo Cushman & Wakefield, dự kiến sẽ có nguồn cung đất khu công nghiệp mới dồi dào gia nhập thị trường. Từ nay đến năm 2026, nguồn cung tương lai khoảng 5.700 ha, chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận TP.HCM như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất cao, giá thuê đất được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

Với thị trường nhà xưởng, theo Cushman & Wakefield, nguồn cung thị trường đạt 5,4 triệu m2, tăng 0,6% theo quý, 12,9% theo năm. Giá thuê trung bình đạt 4,7 USD/m2/tháng, ổn định theo quý và theo năm. Tỷ lệ lấp đầy đạt 73,2%, tăng 2,4% và giảm 12,2% theo năm.

Nhìn chung, khu vực phía Nam sở hữu một số thuận lợi khách quan về điều kiện tự nhiên như địa lý, khí hậu, nguồn tài nguyên, khả năng cung cấp nguyên liệu, lao động. có hệ thống cảng nước sâu và cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước nên thuận lợi cho giao thông vận tải. Với mạng lưới đường biển, đường sắt, đường bộ, hàng không phát triển đồng bộ, TP.HCM và các tỉnh lân cận là khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước, góp phần thúc đẩy khu vực miền Nam và là điểm đến ưa thích đối với các nhà sản xuất mới tham gia vào Việt Nam. Là trung tâm công nghiệp phát triển lâu đời, miền Nam tập trung số lượng lớn các ngành nghề truyền thống, như: cao su và nhựa, các ngành dệt may.

 

Tài liệu tham khảo: 

  1. Ngành công nghiệp các tỉnh phía nam vươn lên dẫn đầu toàn ngành – NGUYỄN XUÂN THÚY
  2. https://haiquanonline.com.vn/khu-cong-nghiep-phia-nam-chuyen-minh-de-tang-suc-canh-tranh-phat-trien-ben-vung-170850-170850.html