Khu công nghiệp Sông Công I (hay còn được gọi là Khu công nghiệp Sông Công 1) là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, được thành lập ngày 01/09/1999 theo Quyết định số 181/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với diện tích theo quy hoạch tại thời điểm thành lập là 320 ha, trong đó giai đoạn I là 69,37 và thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (Từ năm 1999 – 2049).
Dự án đầu tư xây dựng KCN Sông Công I được giao cho Công ty công trình Giao thông I – Tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 76,9 tỷ đồng và có thời gian thực hiện là 5 năm kể từ năm 1999 đến năm 2004. Dự án sau đó được thay đổi chủ đầu tư mới là Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên – trực thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên) theo Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/09/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Địa điểm thực hiện dự án là Thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (nay là Thành phố Sông Công).
Ngày 08/10/2009, Khu công nghiệp Sông Công I được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh điện tích quy hoạch từ 320 ha xuống còn 220 ha theo Công văn số 1854/TTg-KTN. Sau đó Khu công nghiệp tiếp tục được điều chỉnh diện tích quy hoạch từ 220 ha xuống còn 195 ha (giảm 25 ha) theo Công văn số 886/TTg-KTN ngày 12/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay Khu công nghiệp Sông Công I đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết với hai phân khu là Khu A (diện tích 4,9ha) và Khu B (114,9 ha).
Về tính chất, Khu công nghiệp Sông Công I là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, trong đó tập trung thu hút dự án đầu tư ở các lĩnh vực Sản xuất điện, điện tử; Sản xuất và lắp ráp ô tô; Công nghiệp phần mềm; Cơ khí chế tạo, luyện kim.
Về vị trí liên kết vùng, Khu công nghiệp Sông Công I có vị trí nằm tiếp giáp với đường Quốc lộ 3 và gần với nút giao cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đồng thời:
– Cách trung tâm thành phố Sông Công 3 km, Cách thành phố Thái Nguyên 13 km
– Cách trung tâm thành phố Hà Nội 67,5 km; Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh 53 km
– Cách sân bay quốc tế Nội Bài 41 km
– Cách cảng biển quốc tế Hải Phòng 168 km
II. HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP SÔNG CÔNG 1
Hệ thống cấp điện: nguồn điện phục vụ sản xuất tại KCN Sông Công I được lấy từ lưới điện quốc gia do Điện lực Sông Công quản lý thông qua trạm biến áp 110/22kV được đấu nối tới từng lô đất trong khu công nghiệp.
Hệ thống cấp nước: nước sạch cho khu công nghiệp Sông Công I được lấy từ nhà máy nước sạch Sông Công có công suất cung cấp 20.000 m3/ngày đêm, đảm bao cho hoạt động sản xuất.
Hệ thống xử lý nước thải: Toàn bộ nước thải tại Khu công nghiệp Sông Công I sẽ được thu gom và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý giai đoạn 1 là 2.000 m3/ngày đêm, nước thải sẽ được xử lý đạt chuẩn B trước khi xả thải ra môi trường.
Hệ thống đường giao thông nội khu: trục chính của khu công nghiệp có lộ giới 42 m (đường Cách mạng tháng 10), trong đó chiều rộng mặt đường là 22 m; Các đường nhánh trong khu công nghiệp có lộ giới là 22,5 m, trong đó chiều rộng lòng đường là 11 m. Trục chính của KCN kết nối trực tiếp với quốc lộ 3 giúp cho KCN Sông Công I có khả năng kết nối giao thông vô cùng thuận lợi.
III. HIỆN TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP SÔNG CÔNG I
Sau hơn 22 năm hình thành và phát triển, đến nay, Khu công nghiệp Sông Công I đã được tỉnh Thái Nguyên giao cho thuê gần 120 ha đất, trong đó mới chỉ triển khai được khoảng 90 ha trên tổng số 195 ha đã được quy hoạch. Nguyên nhân là do việc bồi thường giải phóng mặt bằng chậm dẫn tới chi phí giải phóng mặt bằng ngày càng tăng cao và dân cư tại khu vực quy hoạch trở nên đông đúc, khiến cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng của phần diện tích còn lại là 105 ha vô cùng khó khăn, đặc biệt là cho khoảng 54 ha khu vực dân cư đông đúc.
Đối với phần đã triển khai xây dựng, Khu công nghiệp Sông Công I đã cho thuê toàn bộ với hơn 40 dự án của các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam như Dự án sửa chữa thiết bị liên lạc của Công ty TNHH SR Tech (Hàn Quốc); Dự án gia công cơ khí và tráng phủ kim loại của Công ty TNHH SN Vina (Hàn Quốc); Dự án may mặc của Công ty đầu tư và thương mại TNG (Việt Nam); Dự án Rèn, dập, ép kim loại của Công ty cổ phần Forging (Việt Nam)….
Đối với các phần diện tích chưa triển khai, tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục lấy ý kiến các sở, ban ngành có liên quan cùng với ý kiến người dân để tiếp tục điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch các phần diện tích khó triển khai giải phóng mặt bằng và bổ sung thay thế bằng quỹ đất dễ triển khai hơn.