KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt nam trong tương lai, một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh: là nơi thu hút và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các nhà đầu tư trong nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao

I. THÔNG TIN PHÁP LÝ VÀ QUY HOẠCH KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC

Ngày 12/10/1998, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích quy hoạch ban đầu khoảng 1650 ha thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội.
Ngày 27/05/2016, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 đến năm 2030. Theo đó, diện tích khu công nghệ cao được điều chỉnh còn 1.586 ha, được chia thành 2 khu vực Phía Bắc Đại Lộ Thăng Long khoảng 1.262,2 ha và Phía Nam Đại Lộ Thăng Long khoảng 323,7 ha, thuộc phạm vi, ranh giới hành chính địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đồng thời, KCNC được quy hoạch với 11 phân khu chức năng bao gồm: Khu giáo dục và đào tạo (123,53 ha); Khu Nghiên cứu và triển khai (263,15 ha); Khu phần mềm (55,93 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao (391,01 ha); Khu Trung tâm (43,14 ha); Khu Hỗn hợp (80,12 ha); Khu Nhà ở (75,5 ha); Khu giải trí và thể dục thể thao; Hồ Tân Xã và vùng đệm; Giao thông và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; Cây xanh…trong đó Khu công nghiệp công nghệ cao là nơi tập trung các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao và kho ngoại quan
Bản đồ quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Bản đồ quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Xem thêm: Top 20 Khu Công nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam

Về tính chất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao của Quốc gia, tập trung phát triển, thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao như:  Công nghệ thông tin; viễn thông, điện tử, sinh học, cơ điện tử, chế tạo máy móc, vật liệu mới; phát triển năng lượng mới và các sản phẩm công nghệ cao khác thuộc danh mục được khuyến khích phát triển.
Về vị trí liên kết vùng, khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp giáp với trục Đại Lộ Thăng Long, kết nối trực tiếp tới trung tâm Hà Nội. Đồng thời, Khu công nghệ cao Hòa lạc nằm gần với các tuyến cao tốc 21, tuyến đường sắt nội vùng chạy dọc Đại Lộ Thăng Long, Tỉnh lộ 420, các tuyến đường đô thị… giúp KCNC Hòa Lạc kết nối thuận tiện với khu vực dân cư, nội đô và các đô thị vệ tinh
Về ưu đãi đầu tư, Khu công nghệ cao Hòa Lạc – Hà Nội được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam về ưu đãi thuế, đất đai, thủ tục đầu tư

II. VỊ TRÍ & CƠ SỞ HẠ TẦNG

Địa điểm và quy mô:

Khu công nghiệp công nghệ cao 2 – Khu CNC Hòa Lạc, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai và xã Thạch Hòa, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Diện tích sử dụng: 277 ha. Bao gồm các hạng mục đầu tư:

– San nền;

– Hệ thống: đường nội bộ và các điểm nối với hệ thống giao thông chung Khu CNC Hòa Lạc

– Hệ thống cấp điện;

– Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải;

– Hệ thống cấp nước sản xuất và sinh hoạt;

– Hệ thống thông tin truyền thông;

– Hệ thống các công trình phụ trợ: Nhà điều hành; nhà bảo vệ, hàng rào, cây xanh, cảnh quan..

Thời gian thực hiện: 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. (Giấy chứng nhận đầu tư số 01221000050 cấp ngày 26/12/2012)

Hình thức hợp tác đầu tư: Với mong muốn được hợp tác lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Tổng công ty CP VINACONEX kêu gọi các Nhà đầu tư quan tâm thuê lại đất để triển khai đầu tư dự án và cam kết về tiến độ và chất lượng hạ tầng cung cấp cũng như hỗ trợ thủ tục pháp lý trong việc thúc đẩy và triển khai dự án của Công ty tại Khu công nghiệp Công nghệ cao 2.

Đơn vị lập dự án: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Vinaconex (Vinaconsult)

III. HIỆN TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC

Hiện nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được trên  100 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đạt gần 100.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 60 dự án đã đi vào hoạt động và có 14 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án tiêu biểu đang hoạt động trong khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể kể đến như: Dự án sản xuất linh kiện của động cơ máy bay của Công ty TNHH Hanwha AeroSpace với tổng số vốn đầu tư trên 200 triệu USD; Dự án sản xuất mô tơ điện một chiều của NIDEC (Nhật Bản) với số vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; Dự án sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử  Vinsmart; Dự án nghiên cứu triển khai động cơ xe ô tô của NISSAN…và hàng loạt dự án lớn khác.