KHU CÔNG NGHIỆP ĐÔNG MAI

I. THÔNG TIN PHÁP LÝ VÀ VỊ TRÍ KHU CÔNG NGHIỆP ĐÔNG MAI

Khu công nghiệp Đông Mai được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch các khu công nghiệp tại Việt Nam tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006 với diện tích quy hoạch dự kiến ban đầu là 200 ha, là một trong tổng số 11 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh tính đến nay.
Ngày 17/04/2008, Khu công nghiệp Đông Mai được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 1135/QĐ-UBND với địa điểm thực hiện dự án tại xã Đông Mai, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập khu công nghiệp Đông Mai theo Quyết định số 2267/QĐ-UBND với tên gọi chính thức là Khu công nghiệp Đông Mai, chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera với số vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Đông Mai có thời hạn hoạt động là 50 năm (Từ 2008-2058).
Ngày 25/11/2016, Khu công nghiệp Đông Mai được điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 3974/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh. Sau đó khu công nghiệp tiếp tục được điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 07/03/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, hiện nay khu công nghiệp Đông Mai có tổng diện tích quy hoạch toàn khu là 167,86 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 124,17 ha (chiếm tỷ lệ 73,97%), diện tích đất giao thông là 15,1 ha, diện tích đất cây xanh và mương là 23,1 ha, diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 3,21 ha.

Quy hoạch Khu Công nghiệp Đông Mai
Quy hoạch Khu Công nghiệp Đông Mai

Về tính chất, Khu công nghiệp Đông Mai có tính chất là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Trong đó tập trung thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí lắp ráp, chế biến thực phẩm…
Về vị trí liên kết vùng, khu công nghiệp Đông Mai có quy hoạch phía Bắc tiếp giáp với đường Quốc lộ 18 (Hà Nội – Bắc Ninh – Hạ Long – Móng Cái) và phía tuyến đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí, tạo cho khu công nghiệp khả năng kết nối giao thông tốt tới các tiện ích hạ tầng giao thông quan trọng cũng như các trung tâm kinh tế lớn:
– Cách cảng Cái Lân (Quảng Ninh) khoảng 29 km (30 phút di chuyển)
– Cách cảng nước sâu Lạch Huyện 45 km (50 phút di chuyển)
– Cách sân bay quốc tế Vân Đồn 80 km, cách sân bay Cát Bi 32 km
– Cách thành phố Hải Phòng 34 km, cách thành phố Hạ Long 28 km
– Cách trung tâm thành phố Hà Nội 140 km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 160 km

Khu Công nghiệp Đông Mai
Khu Công nghiệp Đông Mai

II. HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP ĐÔNG MAI

Hệ thống đường giao thông nội khu: đường trục chính của KCN Đông Mai có chiều rộng lộ giới là 57,0m, trong đó chiều rộng mặt đường là 21 m, dải phân cách trung tâm có chiều rộng 20,0m được bố trí đường điện cao thế, hành lang đường điện và mương nước, vỉa hè có chiều rộng 8m mỗi bên; các đường nhánh trong khu công nghiệp có chiều rộng từ 19,5m-22,5m, trong đó chiều rộng mặt đường là 10,5m và vỉa hè rộng từ 6m mỗi bên.
Hệ thống cấp điện: Với lợi thế cấp điện của tỉnh Quảng Ninh bao gồm các nhà máy nhiệt điện lớn như Mông Dương, Mạo Khê, Uông Bí, Phả Lại, Cẩm Phả, nguồn điện phục vụ sản xuất tại KCN Đông Mai được lấy từ đường dây 110kV đi qua khu công nghiệp thông qua trạm biến áp 110/22KV có công suất 2*16MVA được xây dựng tại phần đất kỹ thuật trong nội khu công nghiệp. Các tuyến dây 22kV được đi nổi trên không, dọc theo vỉa hè các tuyến giao thông trong KCN và được đấu nối tới từng lô đất (đường dây có tiết diện từ 120-240 mm2).
Hệ thống cấp nước: nguồn nước được lấy từ đường ống cấp nước chính trên đường Quốc lộ 18, dẫn nước từ nhà máy Yên Lập đến trạm cấp nước của khu công nghiệp, công suất cấp nước khoảng 5.520 m3/ngày đêm. Từ trạm cấp nước của khu công nghiệp, các hệ thống tuyến ống cấp nước có tiết diện D100-D300 được bố trí nằm dọc vỉa hè các tuyến đường giao thông trong khu công nghiệp tới từng lô đất để phục vụ cả nhu cầu sản xuất và phòng cháy, chữa cháy trong khu.
Hệ thống xử lý nước thải: KCN Đông Mai được đầu tư xây dựng 02 trạm xử lý nước thải, giai đoạn 1 có công suất xử lý đạt 1.100 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 được đầu tư mở rộng theo nhu cầu sử dụng thực tế của các nhà đầu tư hoạt động trong khu công nghiệp, nâng tổng công suất lên tối đa 3.720 m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải tại khu công nghiệp sẽ được thu gom và xử lý tại trạm xử lý nước thải tập trung ra tới chuẩn A trước khi xả thải ra môi trường.
Hệ thống thông tin liên lạc: Tổng đài liên lạc với 2000 đầu số được bố trí thông qua hệ thống cáp quang đi ngầm, đảm bảo khả năng sẵn sàng kết nối theo nhu cầu của nhà đầu tư.
Hệ thống PCCC: các họng nước cứu hỏa được bố trí với khoảng cách 150m mỗi trụ, sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đảm bảo bán kính phục vụ toàn khu công nghiệp.
Các tiện ích hạ tầng khác: các lô đất cho thuê trong khu công nghiệp được san lấp đạt cao độ tối thiểu +3,4m và tối đa đạt +6.0m đảm bảo khả năng chống ngập úng; hệ thống thoát nước mưa được bố trí độc lập với hệ thống xử lý nước thải; hệ thống cây xanh và vỉa hè cảnh quan; hệ thống chiếu sáng được xây dựng đầy đủ và đồng bộ; hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn. Ngoài ra, khu công nghiệp Đông Mai còn được quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia làm việc tại khu công nghiệp.

Góc nhìn trên cao Khu Công nghiệp Đông Mai
Góc nhìn trên cao Khu Công nghiệp Đông Mai

Xem thêm: Top 20 Khu Công nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam

III. CHI PHÍ THUÊ ĐẤT VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ TẠI KCN ĐÔNG MAI

Giá thuê hạ tầng: 90 USD/m2/toàn bộ thời hạn thuê hạ tầng (đến năm 2058)
Phí quản lý và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng: 0,7 USD/m2/năm
Tiền thuê đất hàng năm: được áp dụng theo bảng giá đất do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định tại từng thời điểm
Giá cấp điện: được áp dụng theo biểu giá cấp điện sản xuất của EVN
Giá cấp nước: 14.700 VND/m3, đơn giá nước có thể thay đổi theo từng thời điểm
Phí xử lý nước thải: áp dụng tùy thuộc vào chất lượng nước thải tiếp nhận đầu vào, khối lượng nước thải được tính bằng 80% lượng nước sạch sử dụng.
Lưu ý: các đơn giá trên chưa bao gồm VAT và có thể được thay đổi mà không cần thông báo trước
Ưu đãi đầu tư tại KCN Đông Mai
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Các dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp Đông Mai được miễn 100% tiền thuế TNDN trong 02 năm đầu, giảm 50% tiền thuế TNDN phải nộp trong 04 năm tiếp theo.
Về thuế nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa thuộc danh mục ưu đãi thuế được nhập khẩu để tạo lập tài sản cố định cho doanh nghiệp.

IV. HIỆN TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TẠI KCN ĐÔNG MAI

Khu công nghiệp Đông Mai đã hoàn thành xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và đã cho thuê lấp đầy 98% diện tích khu công nghiệp với hơn 30 dự án đầu tư thứ cấp của các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 500 triệu USD, là khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy tốt nhất của tỉnh Quảng Ninh. Các dự án tiêu biểu đang hoạt động trong khu công nghiệp Đông Mai có thể kể đến như Dự án S-Việt Nam FOXCONN (Đài Loan) có số vốn đầu tư 137,1 triệu USD với mục tiêu sản xuất mô-đun LCD/OLED và TV; Dự án sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện cho ô tô của Tập đoàn YAZAKI (Nhật Bản); Dự án sản xuất loa và tai nghẹ Tonly Technology Limited (Trung Quốc); Dự án sản xuất các phụ kiện loa và loa của Bumjin Electronics; (Hàn Quốc) Dự án sản xuất các linh kiện nhựa cho loa của Công ty TNHH Jinsung Hitec Vina (Hàn Quốc)…Tiếp nối thành công của Khu công nghiệp Đông Mai, hiện nay chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục đề nghị mở rộng khu công nghiệp với quy mô dự kiến giai đoạn mở rộng là 149 ha.